ICODE VIDEO - Phóng sự Thị Trường Thép Việt Nam tháng 3 - 2009

Admin 26/12/2018

ICODE VIDEO - Phóng sự Thị Trường Thép Việt Nam tháng 3 - 2009

Tháng 4/2009, thị trường thép sôi động trở lại, tiêu thụ thép đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, với 429.558 tấn. Nửa đầu tháng 5, tiêu thụ có phần giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Hầu hết các nhà máy thép đã hoạt động trở lại, thậm chí nhiều nơi còn tăng công suất.

Thép đảo chiều tăng giá

Trong tháng 3, thị trường thép trầm lắng cả ngành thép trong tình trạng khủng hoảng, nhiều nhà máy phải dãn thợ, cho nghỉ luân phiến, thậm chí nhiều nơi dừng sản xuất. Nhưng sang tháng 4/2009, sau hàng loạt biện pháp của Chính phủ, thị trường thép đã đảo chiều, sôi động trở lại, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Giá thép trên thị trường trong nước bất ngờ tăng, mức tăng trung bình từ 150.000 đến 350.000 đồng/tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép sản xuất trong tháng 4 ước đạt gần 400.000 ngàn tấn, tăng trên 20% so với tháng 3/2009; tiêu thụ đạt trên 429.000 tấn, tăng 40%, đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu thị trường tiếp tục sôi động như hiện nay, ước tiêu thụ trong tháng 5 đạt trên 360.000 (giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn so với mức bình thường là 300.000 tấn). Hiện giá thép xây dựng nhích tăng từ mức 9,5- 10,2 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 10,3- 11 triệu đồng/tấn.

Lý giải hiện tượng giá thép bắt đầu “ấm”, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA)- cho biết: Trước hết là do giá phôi thép nhập khẩu từ thị trường ASEAN chào bán vào Việt Nam trong tháng 5 đã nhích lên 420- 430 USD/tấn (tháng 3/2009 là 360- 370 USD/tấn, tháng 4 nhích lên 405- 410 USD/tấn). Giá nguyên liệu đầu vào tăng trên 50 USD/tấn khiến đầu ra tăng theo. Thứ hai, do biến động tỷ giá USD trên thị trường nội địa, do Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD và VND, giá USD đang từ hơn 17.000 đồng/USD tăng lên trên 18.000 đồng/USD làm giá thép nhập khẩu tăng. Thứ ba, do tác động tăng thuế nhập khẩu phôi thép. Từ 1/4, Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu phôi từ 5% lên 8%, thép thành phẩm từ 12% lên 15% làm tăng giá đầu vào của sản phẩm thép. Với 3 yếu tố trên thì sức cầu tăng chỉ là yếu tố phụ của việc thép tăng giá.

Gói kích cầu “thấm sâu” vào ngành thép

Theo VSA, việc tăng giá thép như hiện tại là cần thiết và đây không phải hiện tượng “làm giá” do tranh thủ chính sách kích cầu của Chính phủ vì giá đầu vào đã tăng. Hơn nữa, những tháng trước, giá thép trên thị trường nội địa đã bị hạ dưới giá thành sản xuất, do các doanh nghiệp lo ngại về triển vọng thị trường thép năm 2009. Do kinh tế thế giới suy giảm, nguồn cung thép trở nên dư thừa, giá phôi thép trên thế giới liên tục giảm xuống gần 300 USD/tấn trong quý I.

Cùng quý I/2009, thép xây dựng trong khối ASEAN cũng tràn vào Việt Nam và được bán với giá rất thấp, từ 9,2- 9,3 triệu đồng/tấn. Chưa hết, trong tháng 3/2009, thị trường thép nội bị một lượng lớn thép cuộn ngoại (hơn 100.000 tấn) nhập vào bán phá giá trên thị trường (thép hợp kim lách luật) khiến thị phần thép nội sụt giảm từ 28-30% hàng năm xuống còn 21%, các doanh nghiệp càng không bán được hàng. Sức ép giảm giá thép trên thế giới cộng với thị trường nội địa bị thu hẹp (tháng 1 chỉ tiêu thụ được 175.000 tấn, tháng 2 là 250.000 tấn) đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép nội địa phải tiết giảm sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ.

Thứ hai, thép là ngành công nghiệp cơ bản, phải duy trì để bảo đảm an ninh kinh tế. Nếu để các doanh nghiệp thép phá sản, khi kinh tế hồi phục việc khôi phục lại ngành này sẽ rất khó khăn. Hơn nữa việc đảm bảo hoạt động của ngành thép cũng là để bảo đảm việc làm, an sinh xã hội đối với hàng chục vạn lao động của ngành thép.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã khôi phục sản xuất trở lại. Các khu công nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, các công ty liên doanh, cổ phần trong nước… hiện đều tăng lượng sản xuất gấp hai, gấp 3 lần so với thời điểm tháng 3/2009.

Nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ tăng chủ yếu là do “đầu ra” được tháo gỡ. Do gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều công trình, dự án xây dựng lớn của Nhà nước đã được khởi công. Bên cạnh đó, các công trình dân dụng tăng mạnh vì nông dân được hỗ trợ 4% lãi suất cho vay để xây dựng nhà ở. Đồng thời, kinh tế khôi phục, dự đoán thị trường sáng sủa hơn nên các công thương mại đã tăng lượng mua vào.

Nhận định xu hướng giá thép thị trường nội địa năm 2009, VSA cho rằng, việc “sốt” giá thép như năm 2008 (tăng giá gần 100%) là không thể xảy ra vì khả năng kinh tế thế giới chưa thể phục hồi ngay, do đó khủng hoảng thừa thép trên thế giới sẽ tiếp tục. Các nước dư thừa thép sẽ cạnh tranh giá để xuất khẩu sang các nước đang có nhu cầu. Trong khi đó, từ năm nay cung thép đã lớn hơn cầu (hiện nay công suất phôi thép đạt mức 4,5- 4,7 triệu tấn/năm, thép cán 6,5- 6,8 triệu tấn/năm. Trong khi nhu cầu chỉ khoảng 3,8 triệu tấn).


Nguồn: theo Báo Công Thương

Share :

Viết bình luận của bạn