Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam

Admin 26/12/2018

 

(congnghiepquocte.vn) - Thực hiện quy định tại Điều 121 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Bộ Công Thương đã chỉ đạo xây dựng đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam” và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg năm 2009.

Xung quanh việc thực hiện đề án, phóng viên Báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương.

Xin ông cho biết đánh giá của ông về năng lực của DN Việt Nam trong việc xử lý chất thải công nghiệp hiện nay?
Hiện nay, hầu hết chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất chưa được thu gom và xử lý tại chỗ mà thông qua các hợp đồng ký kết với các công ty dịch vụ có chức năng bên ngoài KCN xử lý. Đối với khí thải công nghiệp, thời gian quan đã có nhiều DN áp dụng công nghiệp xử lý bụi, khí thải được thiết kế chế tạo tại Việt Nam hay nhập từ nước ngoài. Nhiều đơn vị trong nước đã nghiên cứu công nghệ, sản xuất thiết bị và áp dụng thành công cho nhiều cơ sở sản xuất như: Nhà máy Sản xuất phân bón và hóa chất Lâm Thao, Nhà máy Cao su Sao Vàng… Còn đối với nước thải sinh hoạt, hiện nay hầu như chưa có địa phương nào có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư vẫn đang bị xả thẳng ra các hệ thống mương, cống thoát nước và từ đó đổ ra sông, hồ không qua xử lý, làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư.
Theo ông, các trở ngại đối với phát triển công nghiệp môi trường là gì?
Mặc dù ngành công nghiệp môi trường đã có những bước đi ban đầu nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam vẫn có nhiều trở ngại như: chưa hình thành cơ quan đầu mối phát triển công nghiệp môi trường, thị trường cho công nghệ và dịch vụ môi trường chưa phát triển. Đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao và kinh nghiệm lâu năm. Cơ chế, chính sách khuyến khích còn chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp môi trường. Nhận thức của người dân và DN về trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh…

Ông có thể cho biết giải pháp về khoa học công nghệ trong việc thực hiện đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam”?
Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp môi trường, cơ quan tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ môi trường; ban hành các cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ môi trường. Ngoài ra, cần xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phục vụ bảo vệ môi trường, bao gồm nghiên cứu nắm bắt và làm chủ, hoàn thiện các quy trình phân tích, đánh giá, quan trắc, các công nghệ xử lý ô nhiễm, thiết kế, chế tạo thiết bị. Đẩy mạnh liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính và DN, có sự điều phối, hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành cơ chế khuyến khích nhập, nghiên cứu, giải mã, làm chủ và phát triển các công nghệ và thiết bị xử lý ô nhiễm đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao; hình thành các quỹ mạo hiểm hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường; cho phép các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước sử dụng kết quả nghiên cứu công nghệ để góp vốn thành lập công ty kinh doanh về môi trường. 
Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường ở các nước trên thế giới?
Hiện nay trên thế giới, các nước công nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu chiếm hầu hết thị phần ngành công nghiệp môi trường thế giới (chiếm tới 85%), trong khi các nước đang phát triển chỉ chiếm khoảng 13-14% thị phần. Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, Chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ban hành các chính sách, quy định, chương trình dự án phát triển ngành cũng như quyết định trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, mạng lưới thông tin nhằm thúc đẩy ngành. Nhìn chung, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp như: Xây dựng và cưỡng chế thực thi các đạo luật về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ ngành công nghiệp môi trường; tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm, dịch vụ công nghiệp môi trường; hỗ trợ phát triển công nghiệp môi trường thông qua chính sách chuyển giao công nghệ…/.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hường – Khắc Hiếu thực hiện
Share :