Thiếu nguyên liệu, lò luyện kim “đắp chiếu”

Admin 26/12/2018

Với trữ lượng tài nguyên khoáng sản dồi dào, tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích DN đầu tư tinh chế, chế biến sâu các sản phẩm quặng. Nhiều DN đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng lắp đặt thiết bị, công nghệ chế biến quặng.

Nhưng không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”, có DN đầu tư thiết bị rồi phải bỏ xó vì thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của hàng trăm LĐ.

Hướng đi đúng

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế, tiến tới không xuất khẩu quặng thô, tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích, vận động các DN khai thác quặng trên địa bàn tập trung đầu tư chế biến sâu các sản phẩm quặng. Theo Sở TNMT Thái Nguyên, một số DN đầu tư mua thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến làm tăng giá trị của một số khoáng sản như than, quặng sắt, titan, chì – kẽm...

Từ 2006 – 2010, các DN hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách trên 400,3 tỉ đồng. Nhiều DN đã thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi cho người dân ở nơi có khoáng sản được khai thác thông qua việc tuyển dụng LĐ địa phương, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các DN hoạt động khoáng sản đã sử dụng trên 8 nghìn LĐ tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, các DN đầu tư chế biến sâu khoáng sản sử dụng số lượng LĐ nhiều hơn hẳn các DN chỉ đào quặng lên rồi đem bán. Như Cty CP Gang thép Thái Nguyên sử dụng đến 6 nghìn LĐ ở tất cả các khâu khai thác, vận chuyển, chế biến,... Hoặc có thể sử dụng một phép so sánh đơn giản hơn, cùng khai thác quặng titan tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương nhưng Cty TNHH xây dựng và PTNT miền núi (Cty XD&PT Miền núi) sử dụng hơn 200 LĐ vì có nhà máy chế biến quặng, còn hai DN khác chỉ sử dụng số LĐ bằng 1/3 do chỉ khai thác quặng rồi xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc chế biến sâu sản phẩm quặng giúp thu hồi được các sản phẩm tinh luyện khác ngoài sản phẩm quặng chính. Như việc tinh chế quặng titan giúp DN thu được sản phẩm là xỉ titan và gang thành phẩm. Nếu xuất thô, coi như mất trắng phần gang có trong quặng titan cho đối tác nước ngoài.

Thiếu nguyên liệu, lò luyện kim “đắp chiếu”

Trữ lượng quặng sắt, than trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiếm tỉ lệ lớn vì vậy không xảy ra tình trạng DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Còn đối với một số loại quặng khác, đã xảy ra tình trạng nhà máy phải “đắp chiếu” một phần do không đủ nguyên liệu sản xuất.  Ngày 25.5, ông Phạm Xuân Đương – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp giấy phép thăm dò quặng titan tại khu vực Làng Lân – Hái Hoa, huyện Phú Lương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã đầu tư vào nhà máy luyện kim nhưng lại thiếu nguyên liệu sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm CN. Đó là trường hợp của Cty XD&PT miền núi, đơn vị đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng vào nhà máy luyện xỉ titan công suất 30 nghìn tấn/năm từ năm 2008. Đây cũng là nhà máy luyện xỉ titan đầu tiên và duy nhất tại miền Bắc hiện nay.

Tuy nhiên nếu hoạt động 100% công suất, chỉ chừng 6 tháng nữa nhà máy sẽ sử dụng hết quặng titan ở khu mỏ được cấp phép từ năm 2006. Hiện nhà máy này đang phải hoạt động cầm chừng với việc vận hành 2/4 lò do thiếu nguyên liệu. Ông Trương Đình Việt - Giám đốc Cty XD&PT miền núi - cho biết: “Nếu hoạt động với 100% công suất, số lượng LĐ chúng tôi cần sẽ gấp đôi hiện nay. Còn hiện tại, nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng, nguy cơ NLĐ thiếu việc là rất lớn, chưa kể DN phải lo trả lãi ngân hàng vì đã đầu tư nhưng không đủ nguyên liệu sản xuất để thu hồi vốn”.

Được biết, ngày 28.3 Bộ TNMT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có khu vực quặng titan Làng Lân – Hái Hoa rộng 572ha. Theo đó, khu vực này thuộc danh mục các dự án thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp trong quy hoạch quặng titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý cho phép điều chỉnh tiến độ thăm dò trong giai đoạn 2007 – 2015. Các hồ sơ thăm dò cũng đã đủ điều kiện cấp phép thăm dò theo quy định pháp luật về khai thác khoáng sản.

Để thực hiện chủ trương hạn chế xuất quặng thô, cũng như đảm bảo việc làm cho hàng trăm LĐ, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các DN tinh chế quặng thô.

(Nguồn: Báo Lao Động)     congnghiepquocte.vn

Share :